Nếu người Anh định hình khởi nghiệp trong một doanh nghiệp mới quy mô nhỏ, thì sự hiểu sai của người Đức còn nghiêm trọng hơn khi họ gắn khái niệm này với quyền lực và của cải. Thuật ngữ “người khởi nghiệp” của J. B. Say khi dịch sang tiếng Đức sẽ thành Unternehmer, nghĩa là một người vừa sở hữu vừa vận hành một doanh nghiệp nào đó (tương đương “chủ sở hữu tự quản lý” trong tiếng Anh). Đúng là người Đức sử dụng thuật ngữ này chủ yếu để phân biệt giữa chủ sở hữu doanh nghiệp với nhà quản lý hay người làm công ăn lương nói chung.
Nhưng những nỗ lực khởi nghiệp có hệ thống đầu tiên lại không hề nhắm vào quyền sở hữu
Nhưng những nỗ lực khởi nghiệp có hệ thống đầu tiên lại không hề nhắm vào quyền sở hữu. Năm 1857 tại Pháp, anh em Péreire sáng lập ngân hàng hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên với Crédit Mobilier; tới năm 1870, bên kia sông Rhine, Georg Siemens hoàn thiện mô hình với Deutsche Bank; cũng tại thời điểm đó, J. P Morgan (khi đó còn non trẻ) đem ý tưởng này vượt Đại Tây Dương sang New York. Vai trò khởi nghiệp của một ngân hàng nằm ở chỗ, nó huy động vốn của người khác để phân phối sang nơi có hiệu suất, sản lượng cao hơn. Những ngân hàng trước đó, chẳng hạn Rothschilds, luôn muốn trở thành chủ sở hữu; mỗi khi xây lên một tuyến đường sắt mới, Rothschids rót vốn bằng tiền của chính mình. Ngược lại, ngân hàng khởi nghiệp không bao giờ muốn trở thành chủ sở hữu. Nó rót vốn cho các công ty từ lúc chúng còn trong trứng nước với hy vọng sinh lời khi bán ra công chúng số cổ phần thu được. Và nó có tiền cho những vụ đầu cơ kiểu này bằng cách đi vay từ công chúng.